Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng trên cả nước liên tục được nâng cấp với nhiều dự án trọng điểm, tăng cường khả năng kết nối vùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại miền Nam, nút giao Tân Vạn – Vành đai 3, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 5/2024 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Dự án này tiếp giáp trực tiếp với 6 tuyến giao thông trọng điểm gồm Xa lộ Hà Nội, tuyến Metro số 1, tuyến Vành đai 3, ĐT 743A, ĐT 7434 và đường Nguyễn Xiển, tạo ra hệ thống kết nối liên vùng linh hoạt giữa TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Ở phía Bắc, tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 21/2, Chủ tịch TP Hải Phòng đã cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường dài gần 391 km, đi qua 9 tỉnh thành và kết nối từ biên giới Lào Cai đến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), giúp tối ưu vận tải hàng hóa từ khu vực phía Bắc đến cảng biển quốc tế.

Tác động của hệ thống kết nối vùng đối với Bất động sản Khu công nghiệp
Nút giao Tân Vạn - Vành đai 3 giúp kết nối nhanh chóng giữa TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương – Long An, rút ngắn thời gian di chuyển hàng hóa, đóng vai trò liên kết đô thị nội thành và liên kết vùng. Nút giao Tân Vạn là điểm kết nối quan trọng giữa cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 1A, giúp tăng cường luồng lưu thông hàng hóa từ các KCN đến cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Khi hoàn thành, nút giao này được đánh giá sẽ giảm tải áp lực cho các tuyến giao thông nội bộ và mở ra hành lang di chuyển thông suốt giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và trung tâm logistics. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm thi công, cầu Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM đã vượt tiến độ 4 tháng, chuẩn bị hợp long hai nhịp biên và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào 30/4; đây sẽ là một bước tiến mới góp phần gia tăng lợi thế cho vùng kinh tế phía nam.
Việc hoàn thiện nút giao Tân Vạn – Vành đai 3 sẽ mang lại nhiều lợi thế chiến lược cho các KCN của IDICO, điển hình như KCN IDICO Hựu Thạnh (Long An), IDICO Nhơn Trạch V (Đồng Nai), IDICO Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) và KCN IDICO Phú Mỹ II & IDICO Phú Mỹ II mở rộng (Bà Rịa – Vũng Tàu), giúp doanh nghiệp dễ dàng liên kết với các khu công nghiệp khác và chuỗi cung ứng trong khu vực.

Với lợi thế hạ tầng đồng bộ và khả năng kết nối linh hoạt, những dự án nằm gần nút giao và hệ thống đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được đánh giá hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, tại miền Bắc dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển Thái Bình cũng vừa được điểu chỉnh mức đầu tư lên hơn 4,8 tỷ đồng, đang trong giai đoạn lên kế họach khai thác và dự kiến vận hành trong thời gian tới.
Khi tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến đường bộ ven biển Thái Bình hoàn thành, các KCN phía Bắc của IDICO, đặc biệt là KCN sinh thái Vinh Quang – Hải Phòng và KCN IDICO Cầu Nghìn – Thái Bình, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hạ tầng kết nối này. Tuyến đường sắt không chỉ tăng cường liên kết trực tiếp với Trung Quốc—công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Với tầm nhìn chiến lược cùng định hướng phát triển bền vững, IDICO đã chủ động nghiên cứu và đặt niềm tin vào các vị trí đắc địa để phát triển hệ thống các khu công nghiệp của mình, đón đầu xu hướng đầu tư và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. IDICO không chỉ chú trọng mang đến hạ tầng dịch vụ đồng bộ chất lượng cao mà còn hướng tới giải pháp vận hành phát triển bền vững, tối ưu năng lượng, giảm phát thải nhằm thu hút các nhà đầu tư FDI lớn.
Sự hoàn thiện của các tuyến đường kết nối vùng sẽ càng gia tăng sức hút cho hệ thống KCN của IDICO, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian vận chuyển, tối ưu chi phí logistics và tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Với những lợi thế này, IDICO kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong thời gian tới.
IDICO
Tổng hợp nguồn từ Internet.